40 thế kỉ kiểm soát giá và tiền công

Tên sách: 40 thế kỉ kiểm soát giá và tiền công - Tác giả: Robert L.Schuettinger và Eamonn F.Butler - Dịch giả: Phạm Nguyên Trường 

 Mua sách: Đặt mua tại đây ( NXB Tri thức)

 

I. THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: 40 thế kỉ kiểm soát giá và tiền công 

Tác giả: Robert L.Schuettinger và Eamonn F.Butler 

Dịch giả: Phạm Nguyên Trường 

Số trang:  412 trang

Khổ sách: 13x20,5 cm

Loại sách: bìa mềm, tay gập

Giá bìa: 125.000 VNĐ

 

II. GIỚI THIỆU SÁCH

Những nỗ lực nhằm kiểm soát và ấn định giá và tiền công đã được thực hiện trong hầu như toàn bộ lịch sử thành văn. Như Robert Schuettinger và Eamonn Butler đã ghi lại một cách chi tiết đầy thú vị và sáng tỏ trong tác phẩm này, kiểm soát giá và tiền công kéo dài từ thời Hammurabi và Ai Cập cổ đại, cách đây 4.000 năm, đến những bài báo xuất hiện sáng nay về kiểm soát tiền thuê nhà ở New York, Boston và những thành phố khác ở Hoa Kì, về chương trình kiểm soát giá “tự nguyện” của chính quyền Carter; về kiểm soát giá và tiền công bắt buộc ở Na Uy, Đan Mạch và Iran,…

Kinh nghiệm kiểm soát giá cũng rộng lớn như toàn bộ lịch sử thành văn, tạo cho chúng ta cơ hội có một không hai trong việc khám phá kiểm soát giá đã làm được gì và không làm được gì. Tôi không biết ảnh hưởng của biện pháp kinh tế và chính sách kinh tế công nào khác được thử nghiệm trên kinh nghiệm lịch sử đa dạng như thế, ở những thời điểm, địa điểm, dân tộc, hình thức chính quyền và hệ thống tổ chức kinh tế khác nhau - có lẽ, nếu không kể các công trình nghiên cứu về quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng số lượng tiền tệ[1].

Kết quả của công trình nghiên cứu này đáng được chú ý vì nó làm sáng tỏ các hiện tượng kinh tế và chính trị ngay cả khi kiểm soát giá và tiền công đã không còn được coi là công cụ của chính sách kinh tế nữa. Sự kiện là việc kiểm soát giá và tiền công đang hiện diện ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường và đang được những nước khác, trong đó có Hoa Kì, xem xét một cách nghiêm túc, buộc chúng ta phải chú ý đến những tài liệu mà lịch sử đã ghi nhận về những biện pháp kiểm soát giá và tiền công được trình bày trong cuốn sách này.

Kiểm soát giá đã làm được gì trong cuộc đấu tranh diễn ra thường xuyên, nhằm kiềm chế lạm phát và khắc phục tình trạng khan hiếm? Tài liệu lịch sử là một chuỗi những thất bại lặp đi lặp lại giống hệt nhau. Thật vậy, không có giai đoạn nào mà kiểm soát giá có tác dụng ngăn chặn được lạm phát hoặc khắc phục được khan hiếm. Không những không kiềm chế được lạm phát, kiểm soát giá đã làm cho căn bệnh lạm phát có thêm những biến chứng khác, ví dụ, thị trường chợ đen và khan hiếm phản ánh sự lãng phí và phân bổ sai nguồn lực do kiểm soát giá gây ra. Không những không loại bỏ được khan hiếm, kiểm soát giá đã gây ra khan hiếm hoặc làm cho khan hiếm càng trầm trọng thêm. Bằng cách cung cấp cho người sản xuất và người tiêu dùng những tín hiệu sai, vì giá “thấp” làm cho nhà sản xuất hạn chế cung, và ngược lại, có tác dụng kích cầu ở người tiêu dùng, kiểm soát giá làm cho khoảng cách giữa cung và cầu gia tăng.

Mặc dù có những bài học lịch sử rõ ràng như thế, nhiều chính phủ và quan chức nhà nước vẫn tin tưởng một cách sai lầm rằng kiểm soát giá có thể và chắc chắn kiểm soát được lạm phát. Do đó, họ theo đuổi các chính sách tiền tệ và tài chính tạo ra lạm phát, vì tin rằng điều không thể tránh khỏi không thể nào xảy ra được. Khi điều không thể tránh khỏi thực sự xảy ra, chính sách công thất bại và hi vọng tan thành mây khói. Sai lầm gia tăng, niềm tin vào chính phủ và các quan chức chính phủ áp dụng những chính sách gây ra tình trạng lộn xộn như thế bị suy giảm. Các quyền tự do chính trị và kinh tế suy yếu và nền văn minh nói chung bị thiệt hại.

Kết quả kiểm soát giá, cũng như thị trường chợ đen và thị trường xám, là có thể dự đoán được và có tính tất yếu của toán học và của nhiều các định luật vật lí học. Các quốc gia bỏ qua những sự kiện này sẽ gặp tai họa chẳng khác gì những quốc gia quy định rằng hai cộng hai phải bằng ba, rằng Định lí Pythagore là sai hoặc ban hành luật pháp hạn chế nhiệt độ hơi nước là 400 (độ F hoặc C).

Kinh nghiệm trực tiếp mà hầu hết chúng ta từng có với kiểm soát giá và tiền công trong cuộc sống của chính mình cùng với những bài học lịch sử và các đề xuất có giá trị trong môn kinh tế học được phân loại một cách khéo léo trong cuốn sách này là quá đủ trong việc thuyết phục các quan chức nhà nước và các chính phủ rằng kiểm soát giá và tiền công đơn giản là không có tác dụng. Tuy nhiên, thực tế rất khó chịu là, mặc cho tất cả các bằng chứng và phân tích đã có, nhiều người trong chúng ta vẫn tìm kiếm những biện pháp kiểm soát giá nhằm giải quyết hoặc làm dịu bớt vấn đề lạm phát. Các cuộc thăm dò dư luận thường xuyên được tiến hành chứng tỏ đa số người dân Hoa Kì muốn có những biện pháp kiểm soát bắt buộc. Nếu các cuộc thăm dò là chính xác, và tôi không có lí do gì để nghi ngờ tính chính xác của cuộc thăm dò này, thì điều đó có nghĩa là nhiều người trong chúng ta chưa phát hiện được cái mà 40thế kỉ đã nói cho chúng ta biết về kiểm soát giá và tiền công. Mặt khác, nó nêu ra một câu hỏi làm người ta lúng túng: Không phải vì sao kiểm soát giá không có tác dụng, mà vì sao sau khi thất bại hết lần này đến lần khác mà các chính phủ, với sự ủng hộ của nhiều công dân, vẫn tiếp tục tìm cách kiểm soát giá và tiền công.

David I. Meiselman 
Học viện Bách nghệ Virginia
(Virginia Polytechnic Instituteand State University)

 (Trích Lời tựa, 40 thế kỉ kiểm soát giá và tiền công, Robert L.Schuettinger và Eamonn F.Butler, Nhà xuất bản Tri Thức, 2020)


 

[1] Xin mời đọc bản tổng kết tuyệt vời của Anna J. Schwartz, “Secular Price Change in Historical Perspective” (Tạm dịch: Thay đổi giá trường kì trong viễn cảnh lịch sử), Universities-National Bureau Committee for Economic Research, Conference on Secular Inflation, supplement to Journal of Money, Credit and Banking (Tạp chí tiền tệ, tín dụng và nghiệp vụ ngân hàng),tháng 2/1973, tr. 264.

 

 

Tin khác :