Tên sách: Lí do thực tiễn - Về lí thuyết hành động - Tác giả: Pierre Bourdieu - Dịch giả: Nguyễn Tùng.
Mua sách: Đặt mua tại đây ( NXB Tri thức)
I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Lí do thực tiễn - Về lí thuyết hành động
Tác giả: Pierre Bourdieu
Dịch giả: Nguyễn Tùng (dịch và chú giải)
Khổ sách: 12x20 cm
Số trang: 504 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 210.000 vnđ
II. NỘI DUNG
1. Tác giả
Pierre Bourdieu(1930-2002), được coi là một trong những gương mặt lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học xã hội Pháp, và có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX. Kế thừa di sản trực tiếp từ Marx, Weber, Mauss, Durkheim, Cassrer, Althusser, Bacherlard,... các nghiên cứu của ông xuất phát từ nhân học đã nhanh chóng chuyển sang xã hội học và được triển khai trên một quy mô rất rộng bao trùm nhiều ngành và nhiều lĩnh vực của khoa học nhân văn.
2. Tác phẩm
Trong tác phẩm này, Pierre Bourdieu - một trong những nhà tư tưởng xã hội hàng đầu của thời đại chúng ta - đã làm rõ chi tiết những đặc điểm cơ bản nhất trong cách tiếp cận lí thuyết của ông.
Lí thuyết của Bourdieu vừa là một triết lí về mối quan hệ của khoa học dành để khám phá các mối quan hệ khách quan đã định hình và làm nền tảng cho đời sống xã hội, vừa là một triết lí hành động có xét đến sự sắp xếp của các tác nhân cũng như các tình huống có cấu trúc mà chúng hoạt động trong đó. Triết lí hành động này được cô đọng chỉ trong vài khái niệm cơ bản - habitus, lãnh trường, vốn - và nó được xác định bởi mối quan hệ hai chiều giữa các cấu trúc khách quan (các cấu trúc của các lãnh trường xã hội) và các cấu trúc được sáp nhập vào (các cấu trúc của habitus).
Các khái niệm và giả định chính trong cách tiếp cận của Bourdieu trong tác phẩm này được minh hoạ bằng nhiều phân tích cụ thể khác nhau, từ việc bàn luận về sự hình thành nhà nước hiện đại đến việc xem gia đình là một nơi để tái sản xuất xã hội, từ việc phân tích nền kinh tế của hàng hoá biểu tượng đến phản ánh các điều kiện xã hội của đạo đức chính trị.
Lí do thực tiễn - Về lí thuyết hành động rất xứng đáng có được sự quan tâm của sinh viên và học giả trong các ngành xã hội học, nhân chủng học, chính trị và triết học, cũng như toàn bộ ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung.
"Tôi ý thức được rằng mình có ít cơ may thành công trong việc thực sự truyền đạt, chỉ bằng diễn ngôn, các nguyên lí của triết lí này và các quy định thực tiễn, cái “nghề” (métier) mà chúng hiện thân trong đó. Tệ hơn nữa, tôi biết rằng khi gọi chúng với cái tên là triết lí, do phải nhượng bộ lối nói thông dụng, tôi có nguy cơ thấy chúng bị biến thành các đề nghị lí thuyết có thể gây ra các cuộc thảo luận lí thuyết, tạo ra những trở ngại mới cho việc truyền đạt các cách thức hành động và tư duy ổn định và được kiểm soát, vốn cấu thành nên một phương pháp. Nhưng tôi muốn hi vọng rằng ít ra tôi có thể góp phần làm tiêu tan các ngộ nhận dai dẳng nhất về công việc nghiên cứu của tôi, đặc biệt là các ngộ nhận được duy trì, đôi khi do cố tình, bằng việc không ngừng lặp đi lặp lại những phản đối không có căn cứ, những giản quy vô tình hay hữu ý vào cái phi lí: chẳng hạn, tôi nghĩ đến những quy kết là “chỉnh thể luận” (holisme) hay “chủ nghĩa thực dụng” (utilitarisme) và bao nhiêu cách phân loại dứt khoát khác do lối tư duy phân loại của các lectores (giảng sư) hay do sự nôn nóng có tính giản quy của những người muốn trở thành auctores (tác giả).
Đối với tôi dường như sự kháng cự của nhiều nhà trí thức với phân tích xã hội học luôn bị ngờ vực là quá thô bạo trong việc giản quy, và đặc biệt đáng ghét khi được áp trực tiếp vào thế giới của chính họ, bén rễ trong một thứ thể diện (có tính duy linh) đặt không đúng chỗ ngăn cản họ chấp nhận sự biểu thị chân thực hành động của con người vốn là điều kiện đầu tiên để nhận thức khoa học về thế giới xã hội hay, chính xác hơn, bén rễ trong một ý tưởng hoàn toàn không thích đáng về phẩm cách “chủ thể” của họ, khiến họ thấy trong việc phân tích khoa học về các thực tiễn một sự xâm phạm tự do hay sự “vô vị lợi” của họ.
Đúng là phân tích xã hội học ít nhượng bộ đối với sự tự mê đắm (narcissisme) và cũng đúng là nó triệt để đoạn tuyệt với hình ảnh hết sức tự mãn về cuộc sống của con người mà những kẻ muốn nghĩ bằng mọi giá rằng “không ai có thể thay thế mình”, bảo vệ. Tuy nhiên, nó đúng là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để nhận thức về mình, như là sinh vật xã hội, tức như là sinh vật đặc thù. Nếu nó đặt nghi vấn về các quyền tự do hão huyền mà nhiều người tự ban cho chính họ (những người này thấy trong hình thái nhận thức về chính mình này một sự “đi xuống địa ngục” và thỉnh thoảng hoan nghênh hóa thân mới nhất theo thời thượng của “xã hội học về tự do” - mà tác giả nào đó đã bảo vệ dưới tên gọi này cách đây gần ba mươi năm), nó cho ta vài phương tiện hiệu quả nhất để đạt đến tự do mà sự hiểu biết về những tác định luận xã hội cho phép chinh phục chống lại các tác định luận".
II. MỤC LỤC
Lời nhà xuất bản
Lời nói đầu
1. Không gian xã hội và không gian biểu tượng
Thực tại là có tính quan hệ
Logic của các giai cấp
Phụ lục: Biến thể “Liên Xô” và vốn chính trị
2. Vốn mới
Trường học, con quỷ của Maxwell
Nghệ thuật hay tiền tài?
Phụ lục:
Không gian xã hội và lãnh trường quyền lực
3. Cho một khoa học về các tác phẩm
Tác phẩm như là văn bản
Sự giản quy vào bối cảnh
Thế giới văn học thu nhỏ
Vị trí và việc lấy lập trường
Lãnh trường cuối thế kỉ
Chiều hướng lịch sử
Các tố chất (disposition) và các đường đời (trajectoire)
Phụ lục 1: Ảo tưởng tiểu sử
Phụ lục 2: Đoạn tuyệt kép
4. Tinh thần nhà nước. Sự phát sinh và cấu trúc của lãnh trường quan liêu
Sự hoài nghi triệt để
Sự tập trung vốn
Vốn biểu tượng
Sự kiến tạo Nhà nước của tinh thần
Sự độc chiếm độc quyền
Phụ lục: Tinh thần gia đình
5. Có chăng một hành vi vô vị lợi?
Đầu tư
Chống tinh thần vị lợi
Sự vô vị lợi như là đam mê
Những cái lợi của sự phổ cập
Phụ lục: Về kinh tế của Giáo hội
6. Nền kinh tế bao gồm các tài sản biểu tượng
Biếu tặng và có đi có lại
Sự biến hóa kì diệu có tính biểu tượng
Sự thừa nhận
Sự cấm kị tính toán
Cái thuần túy và cái thương mại
Tiếng cười của các giám mục
7. Quan điểm triết học kinh viện
Chơi một cách nghiêm túc
Lí thuyết từ quan điểm lí thuyết
Đặc quyền của cái phổ biến
Tất yếu logic và bó buộc xã hội
Một nền tảng nghịch lí của đạo đức
Phụ lục
Thư mục 1: Các trước tác của Pierre Bourdieu
Thư mục 2: Các nghiên cứu về Pierre Bourdieu